Ly hôn - nỗi buồn muôn thuở, bố mẹ chia tay nhau, con cái phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm, không được sống trong một mái ấm tình thương trọn vẹn nơi có cha mẹ ôm ấp, vỗ về. Đó là một thực tế đáng buồn. Câu chuyện sau đây là một ví dụ. Mặc dù đã quyết tâm ly hôn, nhưng chị Hoa vẫn không khỏi lo lắng mỗi khi nghĩ đến con. Người thiệt thòi nhất chính là con, Nhưng con biết ở với ai bây giờ?
Vợ chồng chị Hoa – anh Nam có một con gái 4 tuổi thì ra tòa ly hôn. Mặc dù gia đình anh Nam có điềukiện kinh tế khá giả, ông bà rất yêu thương cháu, nhưng chị Hoa nhất định giành quyền nuôi con.Chị biết, bà nội rất quý và yêu chiều cô cháu gái. Nhưng do những khúc mắc giữa hai mẹ con, chị làm mọi cách để có được quyền nuôi con. Chị muốn mẹ chồng mình phải đau khổ như đã từng làm chị khổ đau trong suốt những năm tháng làm dâu.
Ly dị xong chị mới thấy một mình nuôi con cũng vất vả muôn phần. Mọi khi chị đi làm về, bà đã cho cháu ăn và tắm giặt xong. Con ốm đau, bà trông, mẹ vẫn đi làm. Đằng này, một mẹ một con ở trong nhà, chỉ lo chăm sóc cho con bữa tối, bữa sáng, dọn nhà là chị đã thấy phờ phạc. Chị cũng không có thời gian trò chuyện, chơi với con nhiều như mọi khi. Lúc nào cũng cảm giác mệt mỏi, cáu gắt và bực mình. Con chị chỉ biết làm bạn với tivi. Cứ lủi thủi một mình. Nhìn bạn Tun ở nhà bên cạnh, có bố mẹ đưa đi chơi, yêu chiều, con bé càng tủi thân.
Trái với nhà chị Hoa khi ra tòa li dị, chị Loan nhất định nhường con cho nhà chồng. Có người ác ý, bảo rằng: “Làm thế để cho rảnh rang đi lấy chồng mới”. Chị cũng chỉ cười: “Gia đình nhà chồng tôi có điều kiện đầy đủ. Thằng bé ở đấy chắc chắn sẽ sướng hơn ở với mẹ rồi. Lại toàn người có học. Sau này con tôi nhất định sẽ học đến nơi đến chốn”.
Sau khi ly hôn, cả bố và mẹ đều phải có trách nhiệm nuôi dạy con. Vấn đề ở đây không phải là tiền chu cấp hàng tháng, mà là sự quan tâm giáo dục con thường xuyên hàng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bố/mẹ nào cũng có thể một tuần đến thăm con một lần mà đủ sức uốn nắn, dạy bảo cho con.