Ly hôn là một cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng đến các cặp vợ chồng về mặt cảm xúc, tài chính, theo nhiều cách, trong thực tế hàng ngày.
Một người sẽ mất nhiều tháng hoặc lâu hơn để thích nghi với cuộc sống mới sau ly hôn. Theo tiến sĩ Ann Gold Buscho, chuyên gia tâm lý gia đình của Mỹ, để đối phó với giai đoạn khủng hoảng ly hôn không dễ dàng này, bạn nên lưu ý những điều quan trọng.
Sự hỗ trợ rất cần thiết
Hãy nhờ đến bạn bè, gia đình giúp đỡ. Chia sẻ và tìm kiếm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm và hiểu bạn có thể giúp bạn quản lý cảm xúc của mình.
Nếu bạn không có bạn bè, một nhà trị liệu tâm lý có kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan đến ly hôn có thể giúp bạn ổn định cảm xúc, đồng thời có thể giúp bạn định hướng quy trình pháp lý.
Theo chuyên gia, nên dành thời gian cho gia đình, nhất là những người khiến bạn cảm thấy tích cực, thay vì cảm giác thất bại. Nên tránh cô lập chính mình bởi sự cô lập là một triệu chứng của bệnh trầm cảm. Bạn có thể dành thời gian một mình khi giải quyết cảm xúc cá nhân nhưng hãy cố gắng nói chuyện với bạn bè và ra khỏi nhà nhiều hơn.
Trong giai đoạn này, không nên trút cảm xúc tiêu cực lên con cái, bởi trẻ coi bạn là tấm gương, hình mẫu về khả năng tự chăm sóc bản thân và khả năng phục hồi.
Xem thêm :
Chăm sóc bản thân
Ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc. Khi thể chất tốt bạn cũng cảm thấy tốt hơn về mặt tâm lý. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu mất ngủ hoặc chán ăn. Hãy cân nhắc việc tập yoga, thực hành chánh niệm để giảm căng thẳng. Tránh đối phó với thực tế bằng việc sử dụng rượu hoặc chất gây nghiện, điều này khiến việc chữa lành sẽ khó khăn hơn và mất nhiều thời gian hơn.
Điều quan trọng là nuôi dưỡng những sở thích hoặc hoạt động mang lại cho bạn niềm vui hay sự thư giãn. Hãy làm những gì khiến bạn cảm thấy thỏa mãn. Thời gian này là cơ hội để phát triển và khám phá bản thân. Bạn có thể xây dựng một thói quen mới có thể giúp bạn cảm thấy ổn định hơn trong thời gian cảm xúc biến động.
Nghĩ về tương lai sau ly hôn
Mặc dù việc nhìn lại quá khứ là điều quan trọng để hiểu được vai trò của bạn nhưng điều quan trọng là phải suy nghĩ về các mục tiêu cho tương lai của chính mình. Điều đó có thể giúp phát triển tầm nhìn về cách bạn muốn cuộc sống của mình ra sao trong một năm, hai năm và năm năm tới. Cần đặt mục tiêu thực tế và suy nghĩ từng bước để đạt được mục tiêu đó.
Hãy tự nhủ rằng bạn sẽ hạnh phúc trở lại. Hãy cho phép mình tìm thấy hạnh phúc dù đã ly hôn. Như tất cả mọi người, bạn xứng đáng được hạnh phúc và có một cuộc sống trọn vẹn.
Giữ quan hệ tốt với người cũ
Thay vì thù địch nhau, bạn nên cố gắng duy trì giao tiếp cởi mở và tôn trọng với người cũ, đặc biệt nếu hai bạn đã có con. Các thống kê chỉ ra, xung đột giữa cha mẹ là nguyên nhân lớn nhất gây ra thiệt hại mà con cái phải gánh chịu khi người lớn ly hôn.
Theo chuyên gia, quan trọng là hai bạn có sự giao tiếp rõ ràng, trung lập, tránh gây hiểu nhầm, kích động. Nên tuân theo mô hình ngắn gọn, đầy đủ thông tin, chắc chắn và thân thiện. Ngoài ra, nên lưu ý hạn chế liên lạc ngoài các vấn đề còn ràng buộc.
Tìm kiếm hỗ trợ pháp lý khủng hoảng ly hôn
Cần đảm bảo bạn nắm rõ các khía cạnh pháp lý và tài chính của việc ly hôn cũng như các quyền và trách nhiệm pháp lý của mình. Đừng ký bất cứ thứ gì cho đến khi bạn dành thời gian để hiểu đầy đủ những gì bạn đang ký.
Thùy Linh (Theo Psychology Today)